
Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Bát Tràng - Ecopark cực chất
Du lịch Hà Nội không chỉ có Hồ Gươm, 36 phố phường hay Lăng Bác và Hoàng Thành Thăng Long nghìn năm văn hiến mà còn có Làng Gốm Bát Tràng mang nhiều dấu ấn văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, nếu chỉ du lịch Bát Tràng thì có quá ngắn thời gian hay không, vậy thì bạn phải bỏ túi ngay kinh nghiệm du lịch Bát Tràng – Ecopark ngay trong bài viết này nhé.
Làng Gốm Bát Tràng ở đâu?
Bát Tràng là làng gốm sứ lâu đời nằm ven sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, nằm ở ngoại thành Hà Nội cách thủ đô khoảng 10km về phía Đông Nam. Theo sử sách ghi lại nơi đây hình thành từ thời nhà Lê, chuyên sản xuất rất nhiều loại gốm sứ phục vụ cho nhu cầu trong nước, thậm chí là hoạt động xuất khẩu. “Bát Tràng” có nghĩa là “cái sân lớn”. Từ thời nhà Lê đến nay Bát Tràng đã trở thành khu du lịch với rất nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị cho du khách.
Nên du lịch Bát Tràng vào thời điểm nào trong năm?
Du khách có thể ghé thăm Làng gốm Bát Tràng vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Theo kinh nghiệm du lịch Bát Tràng của những vị khách đi trước thì bạn nên đi vào dịp ngày 8-13/2 âm lịch hàng năm bởi bạn có thể tham gia lễ hội Vạn Phúc với nhiều hoạt động ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ ngày này thì bất cứ thời gian nào bạn cũng có thể ghé thăm nơi đây bởi còn rất nhiều các hoạt động thú vị khác đang đợi bạn.

Di chuyển đến Làng Gốm Bát Tràng như thế nào?
Cách Hà Nội 10km nên có rất nhiều cách để khách du lịch di chuyển tới Bát Tràng. Bạn có thể di chuyển bằng xe cá nhân hoặc bằng xe bus:
Xe cá nhân
- Hướng đi Bát Tràng từ các quận Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm: Bạn chay qua cầu Chương Dương rồi rẽ phải xuống đê và đi thẳng thêm chừng 8km là đến Bát Tràng. Gần tới làng gốm là có biển chỉ dẫn rất to nên bạn yên tâm không sợ lạc đường nhé.
- Hướng đi Bát Tràng từ các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng: Bạn di chuyển theo hướng cầu Vĩnh Tuy sau đó cũng rẽ lên đê và đi thêm khoảng 6km nữa là tới.
- Hướng đi Bát Tràng từ các quận Nam, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân: Bạn chạy theo hướng cầu Thanh Trì sau đó rẽ xuống đường đi khu đô thị Ecopark sau khi thấy ngã tư đường Đa Tốn thì rẽ phải và hướng lên đê chạy thẳng là tới ngay Bát Tràng.
Xe bus
Tuyến 47A: BX Long Biên – Làng gốm Bát Tràng:
- Giờ hoạt động: 5h00 – 19h30 (Long Biên – HN) và 5h40 – 20h07 (Làng Bát Tràng). Chủ nhật từ: 5h00 – 19h40 (Long Biên – HN) và 5h25 – 20h40 (Làng Bát Tràng).
- Thời gian dự kiến: 1 lượt/ 40 phút.
- Giá vé: 7.000đ/ lượt.
Tuyến 47B: BX Long Biên – Kim Lan
- Giờ hoạt động: 5h14 – 19h42 ( Long Biên) và 5h53 – 20h20 ( bãi đỗ Kim Lan). Chủ nhật: 5h16 – 19h58 (Long Biên) và 5h41- 20h56 (bãi đổ xe Kim Lan).
- Thời gian dự kiến: 1 lượt/ 40 phút.
- Giá vé: 7.000đ/ lượt
Tuyến 52B: CV Thống nhất – Bãi đỗ xe Đặng Xá
- Giờ hoạt động: 05h10 – 20h45 (Công viên Thống Nhất ) và 05h25 – 21h05 ( bãi đỗ Đặng Xá).
- Thời gian dự kiến: 1 lượt/ 60 phút.
- Giá vé: 9.000đ/ lượt
Giá vé tham quan làng gốm Bát Tràng
Du lịch Bát Tràng bạn không cần mua vé hay tốn phí vào cổng tham quan đâu. Thực ra, bạn chỉ thanh toán nếu ăn uống, mua sắm hay tham gia các hoạt động tại xưởng gốm.
Nếu vào xưởng vuốt tượng thì phí trung bình 10.000đ/ người. Còn nếu mua thêm tượng để vẽ, giá từ 5.000đ – 15.000đ/ sản phẩm.

Những địa điểm vui chơi, tham quan du lịch ở Làng gốm Bát Tràng
Đến với làng gốm Bát Tràng bạn sẽ được thỏa sức tham quan và ngắm nhìn những đồ gốm và những công trình mang đậm tính lịch sử
Làng Cổ Bát Tràng
Bước chân đầu tiên vào làng cổ Bát Tràng với kiến trúc cổ kính, mộc mạc du khách như được quay ngược thời gian trở về miền ký ức xưa, đầy hoài niệm. Đến đây bạn sẽ được ngồi trên những chiếc xe với chú trâu kéo xe đáng yêu để đi tham quan quanh làng. Một số điểm đến nổi bật tại làng cổ Bát Tràng có thể kể đến như: Nhà cổ Vạn Vân, đình làng Bát Tràng.
Nhà cổ Vạn Vân gồm 3 gian nhà hợp thành, trong đó gian ngoài cùng là ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn 200 năm. Vạn Vân có nghĩa là những áng mây lành hội tụ. Đây là nơi được trưng bày hơn 300 hiện vật gốm có niên đại từ thế kỷ XV – XIX. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đường nét hết sức tinh xảo như điếu bát, điếu voi, lọ rồng, lư hương,…Trong không gian khu nhà cổ, bạn có thể bắt gặp những hình ảnh bình dị và mộc mạc của làng quê xưa với những chiếc thuyền, cối xay lúa, những chiếc nia bên cạnh bức tường gạch cũ phủ màu rêu, giếng nước, thảm cỏ, gáo dừa, bụi tre, bụi chuối,…

Quanh khu nhà được kê nhiều chõng tre để khách tham quan ngồi nghỉ chân uống trà, vừa ngắm cổ vật vừa hòa mình vào thiên nhiên. Nhà cổ Vạn Vân mở cửa từ 8-17h30 hàng ngày.
Đình làng Bát Tràng nằm hướng ra sông Hồng, là nơi thờ Thành Hoàng, có ý nghĩa trang trọng như linh hồn của những làng quê Bắc Bộ xưa và cũng là địa điểm tổ chức lễ hội lớn, các sự kiện lớn của làng.
Sân nặn gốm
Sân nặn gốm chính là nơi thú vị nhất mà các du khách sẽ được thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm gốm sứ của chính mình. Từ bàn xoay, các nguyên liệu từ đất sét và dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, bạn hãy tập trung, tỉ mỉ nhào nặn một khối bột thành một hình dạng mà chính bạn mong muốn. Sau khi nặn xong bạn có thể nhờ các nghệ nhân mang đi nung và có thể đem thành phẩm về nhà làm kỉ niệm. Đây là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất khiến nhiều du khách cảm thấy thú vị khi tham quan làng gốm Bát Tràng.

Chợ gốm Bát Tràng
Chợ gốm Bát Tràng là nơi tập trung hàng trăm cửa hàng bán đồ gốm san sát nhau. Đây là thiên đường của những món quà lưu niệm, những đồ vật xinh xắn dùng trong sinh hoạt hằng ngày hoặc những đồ trang trí nghệ thuật được làm hoàn toàn từ gốm sứ với đa dạng chủng loại, màu sắc và kích cỡ, quan trọng hơn giá cả của chúng rất vừa túi.

Du khách có thể rinh về cho mình nững bộ bát đĩa, ấm chén, chum vại, bình trà, đồ trang trí mĩ nghệ,… vô cùng đẹp mắt do chính các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng chế tác. Bạn cũng có thể quan sát được quá trình các nghệ nhân tạo ra những đồ gốm sứ này ngay tại những khoảng sân gốm mini ở trong chợ.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt tọa lạc tại số 28 thôn 5 làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm Hà Nội. Đây chính là địa điểm nổi tiếng khắp mạng xã hội với những bức ảnh nghìn like. Công trình này xây dựng năm 2018 và hiện đã mở cửa cho khách vào tham quan. Đây là một quần thể kiến trúc nằm trong khu đất rộng 3700m2 với một mặt hướng vào làng Bát Tràng, một mặt hướng ra dòng kênh Bắc Hưng Hải. Nhìn bên ngoài, ta có thể thấy công trình này là 7 khối vòng xoáy tượng trưng cho 7 bàn xoay gốm gây ấn tượng mạnh mẽ cho du khách.

Từng ngóc ngách, góc cạnh nào chỉ cần giơ máy là bạn sẽ có ngay những tấm hình check in cực xịn sò tại nơi đây. Du khách nên dành thời gian đi hết các trung tâm để cảm nhận được văn hóa và sự tinh tế của công trình nghệ thuật này. Không chỉ là nơi quảng bá văn hóa của làng gốm Bát Tràng mà du khách còn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm giá trị, đáng tự hào của làng nghề cũng như của những nghệ nhân nổi tiếng.
Bên cạnh đó cũng có những khu vực khác như trải nghiệm làm gốm, khu vườn và khu nghỉ dưỡng. Bên trên còn có nhà hàng, cafe để du khách nghỉ ngơi và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong chuyến đi du lịch.
>> Tìm hiểu thêm: Khám phá ngay top 10 homestay giá rẻ, view xịn cho nhóm bạn đông người ở gần Hà Nội
Quán Cafe Điện Báo Bát Tràng
Nằm đối diện trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, quán cafe Điện Báo được ví như một “Đà lạt thu nhỏ” với không gian xanh mát, cự chill và vô cùng hút khách. Quán cafe này chỉ mới đi vào hoạt động đầu năm 2022 nhưng đã nhanh chóng trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi đi du lịch Bát Tràng.

Không gian quán ở ngoài trời cực kì rộng và thoáng, được decor màu nâu gỗ nhẹ nhàng ấm áp. Rất nhiều chậu xương rồng mini nhỏ xinh đặt ở nhiều góc, nhiều loại hoa và view sông khiến những bức ảnh check in ở đây càng đẹp hơn khi bắt trọn được cả hình ảnh của trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.
Ẩm thực Bát Tràng, ăn gì khi du lịch Bát Tràng?
Đến Bát Tràng bạn vừa có thể tham quan làng gốm, tự làm gốm hơn nữa bạn có thể thưởng thức những món ngon trứ danh tại đây mà du khách có thể ăn thử.
- Canh măng mực Bát Tràng: món không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày lễ của người dân Bát Tràng. Món canh nấu rất kỳ công, khéo léo nên không tanh, hương vị rất hấp dẫn.

- Xôi vò chè đường: để có được món này, đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian để làm ra. Do đó khi ăn vị chè hài hòa, không ngán mà rất vừa miệng.
- Trà hột hoa sói: vị thơm, thanh mát mà không gây mất ngủ. Nhấp ngụm trà, thưởng thức món xôi chè hoa bưởi là thú vui của người dân làng gốm trong những ngày hội.
- Chè kho
- Canh bóng
- Bánh tẻ
- Bánh sắn nướng
Sau khi tham quan, trải nghiệm và thưởng thức tất cả những văn hóa ẩm thực tại làng gốm Bát Tràng, nếu vẫn còn trống thời gian và bạn vẫn muốn đi khám phá tiếp thì Titan Homies gợi ý cho bạn một địa điểm cũng hấp dẫn không kém đó chính là Ecopark.
Tour Bát Tràng – Ecopark
Ecopark là thành phố xanh nằm phía Đông Nam thủ đô, cách Hà Nội 14km và cách làng gốm Bát Tràng 3km. sở hữu không gian xanh tràn đầy hơi thở thiên nhiên, khu đô thị sinh thái Ecopark được xem là một địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng hấp dẫn. Hệ thống tiện ích được phát triển hoàn hảo, Ecopark chính là địa điểm du lịch giúp bạn và gia đình có những giây phút thư giãn bỏ xa những ồn ào, khói bụi của thành thị.

Bạn có thể cắm trại, check in tại vườn hoa, trèo thuyền kayak và thưởng thức trà chiều bên thảm cỏ. Tham khảo những địa điểm vui chơi tại Ecopark ngay tại đây. Song song với đó, homestay tại Ecopark cũng rất đẹp và nhiều ưu đãi hấp dẫn, bạn có thể cân nhắc thuê homestay để có thể nghỉ ngơi sau chuỗi thời gian khám phá thú vị.
>> Tìm hiểu thêm: Khám phá công viên Hồ Thiên Nga – Địa điểm vui chơi lý tưởng tại Ecopark